(TBKTSG) - Gần đây, nhiều người, từ các
nhà khoa học, quản lý đến... nhà báo trong và ngoài nước, nói nhiều về
cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CN 4.0). Đây cũng là đề tài nổi bật
tại Diễn đàn Kinh tế thế giới về ASEAN diễn ra gần đây, trong đó có nông
nghiệp 4.0 (NN 4.0) được đề cập. Nhưng NN 4.0 là cái gì?
![]() |
Để tránh sâu bệnh phá hoại, nông dân đã làm nhà lưới phòng chống. Ảnh: HOÀNG VŨ |
Nền tảng của CN 4.0 là Internet của vạn vật (IoT). Chuyên gia CN 4.0 sử
dụng khối lượng dữ liệu lớn (Big Data) của từng loại vật thể, viết phần
mềm áp dụng (apps) điều khiển cảm biến kết nối hai vật thể qua
Internet.
Theo các chuyên gia công nghệ thông tin, chúng ta có thể thấy điều này
xảy ra ở một số khu vực. Robot và phần mềm làm việc song song với con
người; một ngày trong tương lai, robot nano có thể được tiêm vào dòng
máu của bạn để chữa trị một bệnh tật của bạn; công cụ in ấn 3D và tay
chân, giọng nói có thể kiểm soát ngôi nhà của bạn; các công cụ thông
minh nhân tạo (AI) như IBM Watson được sử dụng để giúp một bác sĩ chẩn
đoán bạn từ xa... Đó chỉ là một số ví dụ áp dụng cho con người!
Tương tự như thế trong lĩnh vực nông nghiệp, chúng ta có NN 4.0 mở ra
viễn cảnh các công cụ cơ giới trang bằng mặt đất, cày bừa, bón phân
chính xác trên từng thửa đất của cánh đồng rộng hàng ngàn héc ta sẽ được
điều khiển bằng vệ tinh định vị (GPS) đến các cảm biến gắn trên các
công cụ này. Máy bay không người lái sẽ báo tin sự xuất hiện của sâu
bệnh trên cánh đồng hoặc vườn cây ăn trái của bạn, và sau đó sẽ phun
thuốc bảo vệ thực vật với liều lượng chính xác trên cánh đồng hoặc vườn
cây để trừ sâu bệnh. NN 4.0 sẽ giúp nông dân có thể dùng điện thoại
thông minh, hoặc dùng máy tính điều khiển các công cụ cơ giới, robot,
cung cấp cho cây trồng có những điều kiện thích hợp về nước, về nhiệt
độ, về dinh dưỡng... để phát triển tốt mà không cần phải ở tại chỗ.
Quan trọng là chúng ta không áp dụng cái gì quá sức của mình, không phô trương vừa tốn kém mà lại không thể áp dụng cho đông đảo nông dân. |
Ở Đà Lạt, bà con nông dân đã sử dụng công nghệ cao bằng các nhà màng
hàng thập kỷ nay. Trong nhiều nhà màng, nhà kính, người ta đã áp dụng NN
4.0 điều khiển khí hậu thích hợp để trồng được nhiều rau cải ngăn được
các loại sâu bệnh từ ngoài vào. NN 4.0 ở Đà Lạt không thua gì ở các nước
khác.
Tại đồng bằng sông Cửu Long, NN 4.0 chưa được áp dụng bao nhiêu. Khí
hậu ở đây vốn rất thuận lợi, có thể trồng không cần có nhà màng, không
cần điều khiển nhiệt độ không khí hoặc nước tưới riêng bên trong. Tuy
nhiên, để tránh sâu bệnh phá hại, các tỉnh đều có xây dựng một số nhà
màng công nghệ cao để sản xuất nông nghiệp từ mấy năm nay. Nhưng hiện
tại, một trở ngại đang được các nhà khoa học giải quyết là trong nhà
màng ngày càng xuất hiện các loại côn trùng mới, chưa ngăn ngừa được. Đã
có một mô hình ứng dụng NN 4.0 của TS. Nguyễn Thanh Mỹ (tập đoàn Mỹ
Lan, Trà Vinh) điều khiển từ xa máy bơm nước vào ruộng khi độ mặn nước
trong kênh giảm xuống. Áp dụng tia laser điều khiển máy ủi đất để trang
bằng đất ruộng cũng đang được sử dụng khá nhiều tại các tỉnh đồng bằng.
Những ví dụ trên đây cho thấy việc áp dụng NN 4.0 cần đến con người
biết kỹ thuật, nắm được IoT và Big Data để có thể viết apps theo quy
trình chuỗi giá trị của IoT. Kế tiếp là phải có kinh phí lớn để đầu tư.
Khi được ứng dụng, NN 4.0 sẽ loại bỏ một số lớn lực lượng lao động. Như
vậy trong thời gian tới, có lẽ nông dân Việt Nam sẽ khó có thể tiếp cận
được NN 4.0 như ở các nước tiên tiến. Tuy nhiên, nếu căn cứ trên mục
tiêu của NN 4.0, là ứng dụng những tiến bộ công nghệ tin học và công
nghệ sinh học để nâng cao sản lượng và phẩm chất hàng nông sản với giá
thành thấp mà không làm ô nhiễm môi trường không khí, đất và nước, thì
trong nông nghiệp của Việt Nam hiện nay, nông dân có thể áp dụng vài kết
quả công nghệ sinh học để cải tiến tập quán sản xuất cây trồng và vật
nuôi và ta có thể gọi đó là có áp dụng NN 4.0.
Như chúng ta biết, hiện nay sản phẩm trồng trọt và chăn nuôi của nông
dân ta thường bị coi là sản phẩm có chứa nhiều dư lượng thuốc bảo vệ
thực vật, không đảm bảo cho sức khỏe của người tiêu dùng. Vì trong trồng
trọt bà con nông dân sử dụng quá nhiều phân hóa học, nhất là phân đạm,
khiến cho cây trồng mất khả năng đề kháng, sâu bệnh xâm nhập phá hại cây
trồng, bắt buộc nông dân phải phun nhiều thuốc bảo vệ thực vật, làm
tăng chi phí và tăng phát thải khí nhà kính, làm tăng cường độ biến đổi
khí hậu, tăng ô nhiễm đất đai và nguồn nước.
Nhiều chế phẩm sinh học, vi sinh từ nhiều phòng thí nghiệm công nghệ
sinh học của Mỹ, Đức, Ấn Độ... có tác dụng phục hồi điều kiện thiên
nhiên của cây trồng, giúp rễ cây trồng hấp thu nhiều vi sinh vật đưa lên
các bộ phận trên không của cây trồng làm chất kích kháng côn trùng và
mầm bệnh. Chúng ta có thể nói rằng khi nông dân áp dụng chế phẩm sinh
học để giảm phân bón hóa học nhằm sản xuất cây trồng, vật nuôi có chất
lượng cao nhất (an toàn vệ sinh thực phẩm, hương vị ngon thơm tự nhiên),
năng suất cao, giá thành thấp, không sản sinh khí nhà kính (giảm biến
đổi khí hậu), không làm ô nhiễm đất và nước, thì công nghệ cao này có
thể được coi là NN 4.0. Ngành lúa gạo của Thái Lan cũng đang hướng dẫn
nông dân hạ giá thành sản xuất lúa bằng biện pháp sinh học, và họ cũng
cho đó là áp dụng NN 4.0.
Tôi nghĩ rằng theo xu thế thời đại, chúng ta ai cũng muốn tham gia cuộc
cách mạng CN 4.0 hay NN 4.0. Nhưng chọn lọc khía cạnh nào, nội dung gì,
phương pháp ra sao cho thích ứng với điều kiện kinh tế và nguồn nhân
lực hiện tại của nước ta quả là một bài toán khó giải.
Quan trọng là chúng ta không áp dụng cái gì quá sức của mình, không phô
trương vừa tốn kém mà lại không thể áp dụng cho đông đảo nông dân.
Trong giai đoạn hiện tại, ở nước ta, sự chọn lựa NN 4.0 áp dụng trong
chuỗi giá trị phát triển nông nghiệp sẽ là việc ứng dụng chế phẩm mới
nhất trong quy trình sản xuất, giảm mạnh phân bón hóa học, nhất là phân
đạm, tăng cường phân hữu cơ kết hợp với phân sinh học chứa nhiều nguyên
tố vi lượng và vi sinh vật kích kháng sâu bệnh cho tất cả cây trồng và
vật nuôi. Như vậy sẽ giúp nông dân làm giảm tác động biến đổi khí hậu,
tiết kiệm chi phí. Nhờ thế, nông dân sẽ tăng lợi tức vững chắc, các
doanh nghiệp sẽ phát đạt nhờ sử dụng nguyên liệu chất lượng cao của nông
dân liên kết và ngân sách nhà nước sẽ tăng mạnh nhờ mọi thành phần
trong chuỗi giá trị đều thành công.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét